Tổng Quan Về Huyện Mê Linh Hà Nội 2022

Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội, là địa phương có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Sở hữu vị trí thuận lợi, Mê Linh được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của thủ đô, lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị là trọng tâm gắn với phát triển văn hóa, xã hội.

1.Huyện Mê Linh ở đâu?

Mê Linh trước đây vốn là một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và được sáp nhập vào thành phố Hà Nội từ năm 2008. Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc của TP. Hà Nội, cách trung tâm thành phố 30km. Địa giới hành chính của huyện như sau:

  • Phía Bắc giáp Thị xã Phúc Yên
  • Phía Nam giáp huyện Đan Phượng
  • Phía Đông giáp huyện Sóc Sơn, Đông Anh
  • Phía Tây giáp huyện Yên Lạc, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc.
Vị trí huyện Mê Linh trên Google Maps

Huyện Mê Linh nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới góp mùa nóng ẩm với bốn mùa trong năm, trong đó có 2 mùa rõ rệt: Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 11, sẽ có nhiều mưa; mùa lạnh từ tháng 13 đến tháng 3, ít mưa. Địa hình huyện cơ bản là đồng bằng, một phần nhỏ là bán sơn địa, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

2. Hành chính – Huyện Mê Linh có bao nhiêu xã?

Huyện Mê Linh hiện nay có 18 đơn vị hành chính xã cấp trực thuojc, gồm 2 thị trấn Quang Minh, Chi Đông và 16 xã: Đại Thịnh, Văn Khê, Vạn Yên, Tự Lập, Tráng Việt, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Tiền Phong, Thanh Lâm, Thạch Đà, Tam Đồng, Mê Linh, Liên Mạc, Kim Hoa, Hoàng Kim, Chu Phan.

Diện tích tự nhiên huyện Mê Linh là 141,64km2, dân số năm 2019 là 240.555 người.

Trụ sở UBND huyện Mê Linh
Trụ sở UBND huyện Mê Linh

3. Hạ Tầng Giao Thông

Đường Bộ

Huyện Mê Linh tập trung nhiều đầu mối giao thông đường bộ quan trọng, đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô. Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện gồm:

  • Đường Bắc Thăng Long – Nội Bài: đoạn qua huyện dài 2,3km, đi qua địa phận thị trấn Quang Minh, mặt đường rộng 23m, có dải phân cách cứng và mềm.
  • Quốc lộ 23B: là trục giao thông huyết mạch của huyện, đoạn qua địa bàn huyện dài 12km, chạy qua xã Thanh Lâm, Đại Thịnh, Mê Linh, Tiền Phong. Mặt đường rộng 5,8m, riêng qua đoạn ủy ban huyện và nghĩa trang Thanh Tước được mở rộng thành 10,5m, lưu lượng trung bình ước tính 20.500 phương tiện/ngày.
cao tốc bắc thăng long - nội bài
Cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài đoạn qua địa bàn huyện Mê Linh Hà Nội.

5 tuyến tỉnh lộ gồm đường 35, đường 36, đường 301, đường 308, đường 312.

Các tuyến đường liên xã, liên thôn đa phần đều được bê tông hóa với mặt đường rộng từ 5-7m.

Đường Sắt

Về đường sắt, trên địa bàn huyện có tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua, dài 7km, trung bình có khoảng 30 chuyến tàu đi qua mỗi ngày. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đi qua địa bàn huyện (dự kiến) là tuyết số 7 (Mê Linh – Ngọc Hồi).

Về Giao Thông Đường Sông

  • Sông Hồng dài 15,2km đi qua địa bàn 7 xã của huyện: Tráng Việt, Văn Khê, Hoàng Kim, Thạch Đà, Chu Phan, Tiến Thịnh, Vạn Yên.
  • Dọc theo tuyến giao thông đường thủy của sông Hồng có 1 bến phà, 2 bãi bốc dỡ hàng hóa.
  • Sông Cà Lồ dài 14,7km từ xã Vạn Yên qua xã Tự Lập, Tiến Thắng, Kim Hoa, thị trấn Chi Đông và thị trấn Quang Minh.

4. Kinh Tế, Văn Hóa Giáo Dục

Những năm qua, huyện Mê Linh theo đuổi chiến lược kinh tế phát triển đồng đều, đa ngành, đa dạng. Trên thực tế, công nghiệp là ngành mang lại giá trị cao hơn cả tại huyện Mê Linh. Trong năm 2021, cơ cấu ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp tương ứng là 87.8%, 6.3% và 5.9%, trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt 27.187 tỷ đồng. Tuy nhiên, với đặc thù diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp chiếm phần lớn, huyện Mê Linh không thể xem nhẹ vai trò của nông nghiệp.

Hiện Mê Linh được biết đến là một trong những vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn lớn nhất của thành phố. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chăn nuôi, sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xa khu dân cư; Vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh; Vùng sản xuất rau an toàn; Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.

Làng hoa Mê Linh Hà Nội
Làng hoa Mê Linh

5. Quy Hoạch Đô Thị

Theo đề án quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố về phía Tây đến tuyến đường vành đai IV sẽ được phát triển thành khu đô thị hạt nhân của thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, y tế, lịch sử, dịch vụ, đào tạo chất lượng cao của cả nước. Cùng với Đông Anh và Gia Lâm, Mê Linh sẽ là hạt nhân của khu vực. Đáng chú ý, trong giai đoạn 5 năm tới, Hà Nội dự kiến đề xuất chủ trương và xây dựng lộ trình đưa Mê Linh cùng Đông Anh và Sóc Sơn lên thành phố.

Trên địa bàn huyện Mê Linh đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như:

  • Khu đô thị HUD Mê Linh Central – Thanh Lâm – Đại Thịnh
  • Khu đô thị Quang Minh
  • Khu đô thị Tiền Phong
  • Khu đô thị Ba Đình – Mê Linh
  • Khu đô thị Rose Valley
  • Khu đô thị Cienco 5 Mê Linh
  • Khu đô thị AIC Mê Linh
  • Khu đô thị CEO Mê Linh
  • Khu đô thị Diamond Park New
  • Khu đô thị Tùng Phương
  • Khu đô thị Mê Linh New City
  • Khu đô thị Chi Đông
  • Khu đô thị Tiền Phong
  • Khu đô thị Kim Hoa
  • Khu nhà ở Hoàng Vân
  • Khu đô thị Minh Giang -Đầm Và.

6. Thị Trường Bất Động Sản Huyện Mê Linh

Mê Linh mang trong mình nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai phá: vị trí cửa ngõ, là đầu mối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc; cơ sở hạ tầng đang được đầu tư nâng cấp; quỹ đất dồi dào, mức giá còn rẻ. Huyện còn có các khu du lịch sinh thái dọc các con sông, các điểm tham quan hiện thu hút nhiều du khách như Đồi 79 mùa xuân, Đền Hai Bà Trưng… Với vị trí hiện tại, huyện có thể tạo ra liên kết với các điểm du lịch phát triển trong vùng như Bắc Ninh, Đông Anh, Sóc Sơn, Đại Lải, Tam Đảo.

Thị trường bất động sản Mê Linh phát triển tương đối sớm nhưng không quá sôi động, khách hàng chỉ coi đây là một huyện ngoại thành, chưa phát triển. So với các huyện ven đô khác như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh thì mặt bằng giá bất động sản tại Mê Linh vẫn còn ở mức khá thấp. Phân khúc bất động sản được quan tâm nhiều chủ yến là nhà đất thổ cư và đất nền dự án Mê Linh.

  Trục chính KĐT mới Mê Linh đoạn qua UBND huyện Mê Linh

  Trục chính KĐT mới Mê Linh đoạn qua UBND huyện Mê Linh

Trước đó, Mê Linh từng là điểm nóng về bất động sản tại Hà Nội trong giai đoạn 2008-2009 khi phương án mở rộng địa giới hành chính thủ đô được công bố và Mê Linh – một huyện của Vĩnh Phúc được sáp nhập vào Hà Nội. Huyện vùng ven phía Bắc Hà Nội với diện tích tự nhiên 14.246 ha lúc đó trở thành một đại công trường với sự xuất hiện của hàng loạt dự án lớn nhỏ. Trong đó, có rất nhiều dự án quy mô lên tới hàng trăm ha như Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt (24,3 ha), khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn (60 ha), Làng Quốc tế Tiền Phong (30 ha), khu đô thị Minh Giang Đầm Và (22 ha)…

Sức nóng của việc sáp nhập cộng hưởng cùng cuộc đổ bộ rầm rộ của nhiều dự án khiến giá bất động sản Mê Linh tăng vọt trong khoảng thời gian 2008-2009. Giá bán tăng từ mức 3-5 triệu đồng/m2 lên 18-25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sự sôi động chỉ mang tính tạm thời. Khi về với thủ đô, Mê Linh gặp nhiều khó khăn trong công tác điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính phát sinh do quá trình sáp nhập, cùng khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng bất động sản ập đến, thị trường bất động sản huyện Mê Linh nhanh chóng hạ nhiệt và rơi vào giấc ngủ vùi hơn chục năm sau đó.

Khoảng 3 năm trở lại đây, sức nóng của thị trường bất động sản Đông Anh tiếp giáp và những chuyển biến tích cực về hạ tầng giao thông như cầu vượt Phạm Văn Đồng thông với cầu Thăng Long được nâng cấp đã tạo cú hích cho bất động Mê Linh, đặc biệt là phân khúc đất nền dự án. Thời gian qua, thị trường bất động sản Mê Linh bỗng trở nên nóng hơn bao giờ hết trước thông tin lên thành phố cùng Sóc Sơn và Đông Anh. Bên cạnh đó là hàng loạt lô đất xây biệt thự, liền kề tại Mê Linh sắp được tổ chức đấu giá càng hâm nóng cho thị trường trường, thu hút các nhà đầu tư đổ về khu vực này tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Nguồn Tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *