6 cây cầu vượt sông Hồng sắp triển khai

Hà Nội sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng bao gồm: Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở. Ngoài ra, TP cũng xác định xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long.

Theo quy hoạch được duyệt, Hà Nội sẽ xây mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở trên đường vành đai 4; Thượng Cát và Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5; cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng; cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên. Các cầu đều có quy mô 6 là xe cơ giới và hai làn hỗn hợp. Riêng với cầu Hồng Hà và Mễ Sở có 6 làn xe cao tốc.

Cầu Hồng Hà dài khoảng 6 km với vốn đầu tư 9.800 tỷ đồng. Phía bắc cây cầu tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía nam tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai.

Phía bắc cầu Hồng Hà thuộc tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh.

Cầu Thượng Cát nằm trên trục vành đai 3,5, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh dự kiến triển khai trong giai đoạn 2022 – 2026 với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng. Công trình dài 4,5 km, rộng 60 m.

Cầu Ngọc Hồi dài 4 km, bắc qua sông Hồng, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. Phần đầu cầu phía Đông đặt ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Phần đầu cầu phía Tây là địa bàn giáp ranh giữa xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) với thị trấn Văn Giang. Dự kiến cầu Ngọc Hồi được triển khai xây dựng trong giai đoạn 2025 – 2030.

UBND TP Hà Nội mới đây đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét vị trí xây cầu Mễ Sở trên vành đai 4, cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín, khoảng 600 m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang, đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500KV.

Điểm đầu dự án sẽ là nút giao giữa quốc lộ 1A và vành đai 4, điểm cuối là nút giao giữa cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với vành đai 4. Cầu và đường dẫn dài gần 14 km.

Được thai nghén từ thời điểm năm 2010, cầu Tứ Liên là cây cầu nối từ xã Đông Hội huyện Đông Anh sang đường Nghi Tàm quận Tây Hồ (khu vực khách sạn Thắng Lợi). Cầu thiết kế theo lối kiến trúc dây văng, văng xoắn có chiều dài gồm cả đường dẫn là 4,8km (đoạn qua sông Hồng 2,6km).

Sau khi hoàn thành, cầu Tứ Liên sẽ thiết lập một lộ trình mới từ Đông Anh qua Nghi Tàm (Tây Hồ) giảm thời gian lưu thông của người dân từ khu vực Cổ Loa, Đông Hội sang khu vực trung tâm thủ đô từ khoảng 40 phút xuống còn 10 phút…trở thành một trong số các tuyến giao thông chính giảm tải trực tiếp mật độ giao thông cho cầu Chương Dương, Long Biên, Đông Trù hiện nay.

Còn dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài 3,1 km, vốn đầu tư 8.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP. Điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Ngoài ra, Hà Nội xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long, cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *